NS Trần Tiến: “Mình lớn lên như con chó rách”

Banner-backlink-danaseo

“Mình lớn lên như con chó rách”, Trần Tiến ngậm ngùi nhớ lại tuổi thơ buồn của mình.

Cậu bé rửa bát ở hàng phở Cồ Cử đã giã từ giấc mơ nấu phở gia truyền để trở thành … một nhạc sĩ khét tiếng .

 

Tôi xem lại các đĩa hát của Trần Tiến và cười khúc khích một mình. Trần Tiến ngày đó còm nhom, gầy nhẳng… ôm guitar, mắt nhắm nghiền, người đu đưa hát Mặt trời bé con. Bạn bè thân hữu của anh nói, đó mới là thời Trần Tiến say mê, nhiều năng lượng và lắm ước mơ. Còn Trần Tiến bây giờ bệ vệ, oai phong và gai góc hơn nhưng nhiều khi tự mình tìm cõi riêng… lánh nạn cuộc đời. Mà nạn ấy đôi khi chỉ là cơn bão nhẹ của truyền thông, ví như chuyện anh bị “ném đá” trong Bước nhảy hoàn vũ 2011. Và sau những lần như thế, anh lại ồ lên trên chính trang giấy mình viết: “Anh thấy nhớ cuộc đời quá”.

Tôi nhìn thấy một trái tim cô đơn khi gặp và đọc những dòng anh viết.
 
“Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca viết về quê mình”
 
“Anh có hai quê. Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc”, đó là một trong những dòng ngẫu hứng Trần Tiến tự khai về mình trên blog Nguyễn Quang Lập.
 
Một miền quê có dòng Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng từng gieo mình, có chùa Thầy nổi tiếng (Quốc Oai, Hà Tây) mà anh kể rằng: “Nơi quê anh, rải rác những dấu chân người Chàm cổ” – xứ Đoài. Còn vùng quê nữa “nơi tuổi thơ buồn của anh – Hà thành”, chính nơi đó Trần Tiến cho rằng “mình đã lớn lên như con chó rách”.
 
“Sống lang thang bên cống rãnh hè phố, mong tìm được hòn bi ve đứa trẻ nào đánh rơi” là những năm tháng ghi dấu ấn tuổi thơ anh ở Hà Nội. Hà Nội trong các sáng tác của Trần Tiến (Ngẫu hứng sông Hồng, Hà Nội những năm 2000, Ngẫu hứng phố…) đầy thân phận, tình người. Nhưng Hà Nội thực sự của Trần Tiến là một tuổi thơ nghèo mà “cu Đểnh, đồi Nồng” (cách mẹ Trần Tiến gọi thân thương con trai) chỉ có chiếc áo bông sột soạt mẹ may bằng vải lính, bên trong không có bông, lót bằng giấy báo. Tuổi thơ của anh là sự thèm thuồng “nhìn hau háu vào chiếc chảo lèng cố của ông Tàu áo đen, đang rán những vuông bánh nhỏ thơm phức, dụ trẻ con trước cổng trường”, là những ngày giúp mẹ giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga rệp bám đầy.
 
– Anh đã trải qua một cuộc đời có thể gọi là đáng sống, khi có cả nỗi cơ cực, oan trái và những phút giây thập tử nhất sinh… Với anh mà nói, điều quý nhất trên cuộc đời này là gì?
 
– Tôi quý sự tự do, trung thực, dũng cảm và biết yêu. Tôi còn nhớ, sau ngày tốt nghiệp đại học với bản giao hưởng đầu tay đạt điểm cao, tôi đến gặp thầy Tấn và nói: “Em xin thầy 4 năm học và viết ca khúc”. Thầy tròn mắt: “Ca khúc sao phải học? Vậy 8 năm vất vả dạy cậu viết giao hưởng, để cậu… viết ca khúc?”.
 
Năm tháng trôi qua, dần dần thầy được nghe bài hát của học trò từ đám trẻ hát nghêu ngao với chiếc guitar bập bùng bên phố, trong sân trường đại học, ra tới đường phố, về khắp miền quê, sang tận các nước có người Việt sinh sống.
 
Bốn năm sau tôi gặp lại thầy, thầy không cười nửa nụ. Tôi chào thầy, bước ra khỏi cửa, vẫn còn nghe lời dặn: “Nổi tiếng, nhưng phải được người trong nghề tâm phục”. Và thế là đâm lao phải theo lao, tôi không viết khí nhạc nữa mà tiếp tục viết ca khúc, lang thang tìm kiếm thứ âm nhạc đích thực của đời mình. Vừa rồi ra Hà Nội ngồi uống bia kể lại chuyện này, Hồng Kiên bảo: “Ca khúc của chú là những bản giao hưởng biết hát rồi còn gì”. Tôi nghe và nghĩ, không hổ thẹn với thầy nơi chín suối.
 
– Được nhiều phụ nữ say mê, nhưng có người phụ nữ nào anh trân trọng và biết ơn nhất trong cuộc đời này, ngoài mẹ anh không?

– Các chị ruột của tôi, chị Liên, chị Loan, chị Yến bế tôi trong tiếng đạn giặc Tây rượt bắn ngày chạy loạn tản cư. Thím Hai, cô Ao vỗ về tôi lời ru quê nhà. Người mẹ già nuôi tôi ba ngày bên dòng sông kênh Nhiêu Lộc. Cô bé bán phở, giấu mẹ dúi thêm thịt vào tô của gã du ca đói kém. Nhiều lắm, nhiều lắm… Chỉ có kẻ vô ơn mới quên điều đó. Những người phụ nữ đó, đẹp hơn nhiều cái người tình “lãng mạn kiểu tiền chiến” mà bạn tò mò, muốn đặt cạnh tôi cho thêm phần mơ mộng, lâm li.
 
– Thế còn cô cháu gái Hà Trần có vị trí thế nào trong anh? Anh kỳ vọng gì về cô ấy không?
 
– Bụt chùa nhà chẳng bao giờ thiêng. Tôi yêu cháu mà chẳng bao giờ nghĩ cái giọng mèo kêu sau này lại thành diva với chính những bài hát của chú. Cũng như anh Trần Hiếu gạt phăng ngay cái ý định muốn làm nhạc sĩ của thằng em là tôi, lêu têu và ở bẩn như Toán “xồm” (một hippy những năm 60 ở Hà Nội): “Cứ đi hát như anh rồi may ra nổi tiếng, sáng tác sao qua được những ngọn núi như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân…”.
 
Cuộc đời này đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra với người thân. Sao dám kỳ vọng! Cũng như tình yêu, sao biết đó là tình cuối. Tôi tự hào về anh tôi, về con cháu trong nhà có được một truyền thống, thế là vinh dự lắm rồi.
 
– Có một gia đình hạnh phúc, con ngoan và trưởng thành… anh có thể tiết lộ trong nhà, nhạc sĩ Trần Tiến là người thế nào không?
 
– Tôi vẫn cố làm người bố tốt và một người chồng không đến nỗi “chả được cái tích sự gì”.
 
– Giờ đây, một ngày bình thường của anh như thế nào?
 
– Sớm 3-4h tỉnh ngủ rồi, dậy hút thuốc trong đêm, chờ bình minh rồi lấy xe đạp quanh núi. Sáng về ngồi trước tờ giấy nhạc, pháp trường trắng với những dòng kẻ, như chấn song sắt đen ngòm của kiếp tù đày tự nguyện. Có hứng thì ngồi tiếp ngày này qua ngày khác cho đến khi viết xong. Trời không cho điều gì mới thì lang thang trên phố, lên mạng hoặc tìm một người bạn rượu ít nói, ngồi nhâm nhi ngắm biển và phụ nữ đẹp. Chín giờ tối là díp mắt, kênh HBO hay mấy cũng lăn ra ngủ, xong một điệp khúc mặt trời.

Nhưng tuổi thơ nghèo ấy từng chứa đựng bao ước mơ, để rồi cậu bé Trần Việt Tiến (tên đầy đủ của nhạc sĩ Trần Tiến) ngồi ngắm cục đá vôi nở ra trên rãnh nước ven đường mà tưởng đó là ngọn Phú Sỹ của riêng mình.

Rồi Trần Tiến di cư vào Nam trong một chuyến lẽ ra để đến Tây Nguyên. Ngày đó, Đoàn Văn công Tây Nguyên mời nhạc sĩ vào sáng tác. Thương anh bạn thích ngao du là Nguyễn Cường, Trần Tiến rủ bạn theo. Nhưng theo lời nhạc sĩ Nguyễn Cường, đến Sài Gòn thì Trần Tiến giục bạn đi tiếp lên Tây Nguyên còn mình ở lại thành phố. Chuyện này, khi hỏi lại nhạc sĩ kể rằng: “Trong lúc đi thực tế, tôi nhận được thư mời vào Sài Gòn sống và sáng tác. Tôi đành phải chia tay giấc mơ viết về Tây Nguyên để đi tìm một cuộc sống hoàn toàn mới của cuộc đời mình”. Chuyến đi đó đã mang Trần Tiến đến gần công chúng hơn với những tháng ngày du ca, nhưng cũng từ đó anh gặp thêm bao trắc trở cuộc đời.

Giờ ngoài Sài Gòn, Trần Tiến có một căn nhà nhỏ ở Vũng Tàu, đó mới là nơi nhạc sĩ sống hiện tại. Vì nhà ở phố Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) anh chỉ về khi có việc. Ca sĩ Quang Lý kể, căn nhà ở Vũng Tàu nằm ở những con phố giống Hà Nội y đúc, từ tên gọi, cây trồng đến cách bài trí. Tôi hỏi có phải anh đã tạo ra nơi “trở về” thay cho những chuyến trở về Hà Nội thực sự hay không. Anh cười: “Tuổi già nào chả thế. Những người giàu có, về già bỏ bao nhiêu tiền của kiếm được để tái tạo lại ký ức tuổi thơ: cây đa, bến nước, ruộng đồng, cái chum, cái vại, cây cau, dù giá đất có cao đến đâu. Quê hương, tuổi thơ không ám ảnh bạn hay sao mà bạn lại hỏi tôi câu đó”.
Trở về, dù trong tưởng tượng, theo cách lý giải tự nhiên của Trần Tiến là: “Người già thường quay lại trẻ nít, bắt đầu từ nước mắt rồi mới đến nụ cười ngày bé”. Mà nụ cười ngày bé của Trần Tiến là gì?
 
Giã từ giấc mơ nấu phở gia truyền để thành ca sĩ
 
Bây giờ tác giả của hàng trăm ca khúc thường tự nhận những bản nhạc mình viết “hoàn toàn pha chế hòa âm, giai điệu và sức nóng như kinh nghiệm làm một tô phở ấm áp giữa mùa đông giá rét”. Nguyên do là, nhạc sĩ Trần Tiến nổi danh hôm nay, trước đây từng được ông Cồ Cử (một nghệ nhân nấu phở nổi tiếng người Nam Định) truyền nghề.
 
Chuyện là, mẹ anh khi “chuyển công tác” từ khu nhà trọ phố ga sang rửa bát cho một hàng phở, Trần Tiến lúc đó học lớp 9, vì thương mẹ cũng đi theo. Người nấu cho quán phở đó là ông Cồ Cử, giỏi nhất đám phở gánh nổi tiếng Hà thành ngày ấy. Chính anh cũng không hiểu tại sao, nhà ông Cồ Cử có ba con trai nhưng ông lại chọn “kẻ lơ ngơ” là mình để truyền bí quyết nấu phở gia truyền. Với bí quyết đó, đến giờ gặp bạn bè thân, Trần Tiến vẫn khoe: “Anh nấu phở ngon lắm nhé”.
 
Nhưng ông Cồ Cử truyền nghề chưa được hai năm, Trần Tiến đã trở thành ca sĩ nổi tiếng. Bỏ hàng phở, anh tham gia các đoàn văn công nhưng vẫn không quên cái nơi sáng sáng anh cùng những anh em khác được tặng không một tô phở “không người lái”. Vì vậy, trong một lần biểu diễn, ca sĩ mới nổi Trần Việt Tiến đã mời cả Công ty ăn uống Hoàn Kiếm đi xem. Giữa bao khán giả đang reo vang, ông Cồ Cử đã hồn nhiên đứng dậy giữa rạp mà hô lên: “Ê thằng Tiến rửa bát nhà mình kìa. Hay quá, con trai”. Nghiệp ca sĩ theo anh từ đó để rồi sau này có một Trần Tiến du ca. Giờ anh đã thôi du ca.
 
Ca sĩ Trần Tiến năm nào đã có vài trăm bài viết riêng cho mỗi quãng đường đời. Anh còn nổi tiếng là người viết nhạc “theo đơn đặt hàng giá khủng”. Điều khác biệt là, kể cả những bài theo đơn đặt hàng của anh vẫn làm khán giả đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Sau Sao em nỡ vội lấy chồng cách đây mấy chục năm, giờ người ta lại giật mình với Sen hồng hư không và chắc chắn những bài hát mới chưa dừng lại.

Nhưng bây giờ anh… buồn
 
Năm 2011, Trần Tiến ngồi ghế giám khảo chương trình Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ hai. Với những ý kiến trực diện về phần thi của Vũ Thu Phương: “Tôi đang chờ cái mông của cô ấy nóng bỏng mà mãi không có”, anh đã gặp phản ứng từ dư luận, được một tờ báo mạng xếp vào bảng phát ngôn “đáng sợ”.
 
Trần Tiến kể, dù nhà có đến hai người con là nghệ sĩ có tiếng (Trần Hiếu và Trần Tiến) nhưng mẹ anh vẫn bảo “xướng ca vô loài”. Mẹ không ngăn con theo nghề, câu nói đó chỉ là lời răn. Và lúc này, khi đi gần hết một đời ngao du, anh mới nhận ra: “Xướng ca không để bán thì vô loài là đúng, mẹ ơi”. Nhưng Trần Tiến chưa bao giờ hối tiếc đã dành cả đời cho nghiệp “xướng ca” ấy. Bởi “dù tiền kiếm chẳng bao nhiêu nhưng được cái người ta trọng, nếu viết lách cho tử tế”. Và còn bởi “viết chẳng để làm gì, nhưng mà… sướng”.

Thế nhưng, người đủ tỉnh để đi suốt đời xướng ca ấy cũng có lúc rơi vào vòng xoáy dư luận, để có lúc phải hoang mang: “Tự nhiên tôi thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, giữa những khán giả mình vẫn hết lòng viết bài hát cho họ”. Đó là tâm sự của Trần Tiến khi mùa Bước nhảy hoàn vũ 2011 diễn ra. Cuộc chơi ấy giúp anh hiểu ra điều mà lâu nay quen sống trong hào quang nên quên mất: “Anh đã già rồi. Khán giả yêu anh cũng già theo hoặc đã về trước, nơi cõi vĩnh hằng”. Cú “ném đá” của truyền thông năm đó chẳng thấm tháp gì với những cơn bão đời anh đã đi qua: khoảnh khắc sinh tử ở chiến trường, “tai nạn” với ban nhạc Đen Trắng… Nhưng nó buồn. Bởi nhạc sĩ nhận ra: “Cái thế giới này mình không quen. Nhiều lúc thấy cô đơn, nhấc máy gọi cho người tình nghe một tiếng dạ rỗng không, buồn tênh”.
 
Nhưng anh động viên tôi: “Mỗi thời có âm nhạc riêng, mỗi thời có cái hay riêng, đừng lo trái đất tận diệt”. Rồi anh cười buồn: “Lòng tôi giờ không yên. Hai đêm nhạc diễn ra trong tình hình đất nước còn gian nan. Tôi chỉ lạy trời, khấn Phật sao cho dân ta không phải nghe tiếng súng, con cháu ta được bình yên hạnh phúc. Vì không có nhạc thì cũng có chết đâu”.

Theo Mốt và Cuộc sống

Rate this post

Bài viết liên quan