Chim cu gáy thuộc họ bồ câu, tên khoa học là Stêp- topelia Chinensis, sống hoang dã ở phía Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam chim sống ven rừng, các vùng đồng bằng từ Bắc đến Nam, thức ăn chủ yếu là các hạt thưc vật: Lúa, ngô, kê, đậu, hạt cỏ dại.
[external_link_head]
Nhìn bề ngoài chúng rất hiền lành, phúc hậu; đầu nhỏ, mỏ dài, chân son cườm biếc, nhất là có bộ mã nâu sồng như bậc tu hành. Chim cu gáy có tốc độ bay cực nhanh nhờ có ngoại hình thon thả, ngực nở, đôi sải cánh dài vắt chéo dưới lưng, đôi mắt chim nhỏ như hai hạt đỗ hơi ướt, mi mắt dầy, như vậy mới chịu được gió khi bay cao.
Nghề chơi chim rất công phu, có người chơi do lòng say mê thưc sự, có người hám lợi lấy chơi chim làm chơi ăn thật và cũng có những người trưởng giả học làm sang. Thấy người ta nuôi mình cũng mua về vài con treo đầy nhà, ít ai biết được nhưng bí mật về cuộc đời riêng tư của vợ chồng cu gáy. Có thể nói chơi chim còn tùy thuộc vào lứa tuổi; những lúc trà dư tửu hậu, những đêm gió bấc rít qua chái nhà lợp ngói mũi hài mà trầm ngâm nghe trong đêm một tiếng chim gù với que đóm châm đi châm lại tam phen, tứ bận mới rít xong một điếu thưốc lào.
Chim cu gáy là giống chim có tuổi thọ cao, cá biệt có con sống được tới 70-80 năm và có thể nói còn dài đời hơn là tuổi người chủ nuôi nó. Cha truyền con nói bởi con chim cu gáy là chuyện không có gì ngạc nhiên.
Quý nhất ở chim cu gáy là tính chiến đấu và lòng chung thủy. Bởi vì, chim hoang dã chỉ sống một vợ một chồng, định cư ở một khu đất nhất định, thích làm tổ ở những cây nhãn hoặc bụi tre rậm rạp. Mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 13 đến 14 ngày thì nở. Nếu chẳng may con trống bị đánh bẫy hoặc ốm chết thì con mái nuôi con một mình, nhất định không đi với con trống khác cho đến lúc nhắm mắt suôi tay. Nếu con mái chết con trống cũng cam phận cô đơn. Nhiều khi tình huống này ta dễ phân biệt vì nó sẽ đỗ ở những cây cao chót vót, cất tiếng hót để nhớ lại những ngày hạnh phúc lứa đôi, gáy hàng giờ không ngớt. Nghe những khúc tấu lên những tiếng khoan, tiếng nhặt da riết bồi hồi đến não lòng sâu thẳm tận tim và vì thế mà người chơi chim gọi là “Nghĩa điểu”.
Cái đáng quý thứ hai là tính chiến đấu, hiền lành là vậy, song khi cần phải bảo vệ hạnh phúc lứa đôi và lãnh thổ thì chiến đấu rất dũng mãnh. Song cái cao thượng của nó là chỉ đánh nhau với kẻ mạnh hay ngang sức ngang tài, còn kẻ yếu hơn thì không chấp, ”Lễ tiên binh hậu” là thế đó. Vì thế chăm sóc cu gáy phải kỳ công, phải đãi thóc loại hạt lép, loại bụi bẩn tránh bệnh đau mắt.
Điều thứ ba là giọng hót của cu gáy: Cu gáy tạm có 3 loại giọng (ba bậc): Kim là giọng cao; Còi là giọng trung và Thổ là giọng trầm.
Cu gáy có 4 loại âm gồm: Âm thổ (thổ đông, thổ bầu, thổ sấm, thổ đế); âm kim; âm đông và âm son.
[external_link offset=1]
Người chơi chim phải luyện thẩm âm thật tốt mới phân biệt được sau giọng là tiếng; phải hiểu thấu đáo thế nào là dặt, gù, chu, vấp, mơ, lèo, lái, thiều, đủ đảo…
+ Gáy gọn 3 tiếng: Cúc cù cu
+ Gáy bổ nhất 4 tiếng: Cúc cù cu- cu
+ Gáy bổ nhị 5 tiếng: Cúc cù cu- cù cu
+ Gáy bổ tam 6 tiếng: Cúc cù cu- cúc cù cu
+ Gáy bổ tứ 7 tiếng: Cúc cù cu- Cúc cù cu- cu
(Trong hàng vạn con mới chọn được 1 con bổ tứ).
Tất cả những giọng, âm, tiếng chỉ là bề nổi, còn tinh hoa trong tiếng cầm điểu này chỉ có thể đạt được bằng tâm thức của mình mới thấy được cái ảo ảo, thực thực. Ở gần thì nghe như từ xa vọng lại, ở xa thì nghe bay bổng quanh quẩn đâu đây; có lúc như năn nỉ, mượt mà.Tiếng gáy kéo dài bởi có lúc gần chán xa thèm đã xẩy ra.
Chính vì thế mà người chơi chim, nuôi chim gáy không bao giờ nuôi ẩu, bắt bừa mà phải chọn chim: nhìn cái đầu, nhìn cái cườm, nhất là cườm bao quanh cổ, lại có giọng thổ là đứng đầu loài chim. Nhất là cái đuôi phải dài, cái mỏ phải cong, mình bầu lông sáng, chân khô thấp mốc, nhiều vẩy, móng trắng…
Ngày nay nhiều người còn nuôi cu gáy kinh doanh cho để bán chim non, có người nuôi để sổng chuồng là chúng bay thẳng không bao giờ trở lại vì chúng ưa tư do, tổ tiên vốn sống hoang dã. Cũng có người nuôi chim sổng chuồng bay đi lại về; có người làm chuồng cho chim đẻ, song nếu biết cách chăm sóc thi không cần chuồng trại, mà nuôi ngoài trời.
Nhiều người nuôi chim cho biết chim gáy sinh sản từ tháng 1 đến tháng 5; có người nuôi thuần thì chim gáy đẻ liên tục trong suốt năm, mỗi lứa để 2 trứng như chim bồ câu.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bài “Vòng cườm trên Cổ chim cu”:
Rừng cháy đen vẫn ra cành lộc
[external_link offset=2]
Chỗ cành xanh là chỗ chim gù
Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã
Như chưa nghe bao giờ, mà chưa đã
Nghe rồi từ đâu thời xa xửa, xa xưa
Cúc cù cu- cu;
Cúc cù cu cu.
Đấy chính là cái quen quen và cũng là lạ vậy!
Tiếng vọng đồng quê như đưa ta về với chốn xa xăm, lưu luyến mãi trong tâm hồn những tiết tấu mênh mang, huyền diệu; lúc khoan thai như lời chào mời da diết mãi khôn nguôi!
Theo Tạp chí VNHS [external_footer]