Một đại gia đình “nuôi” nhiều… chó đá

Ngôi nhà sàn cổ lợp lá cọ, tường trát đất trộn rơm của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở đường Bưởi. Ngoài cổng xếp một hàng tượng Phật bằng sắt hoen gỉ, trong cổng gần 100 con chó đá cổ với những hình thù rất sinh động ngồi chễm chệ theo hàng lối. Anh bảo, đàn chó đá có trách nhiệm … giữ nhà. Ối người khi nghe nói vậy thì bảo anh lập dị. Thế nhưng, với giới họa sỹ thì họ biết rằng, Nguyễn Mạnh Đức là một người hiểu biết cực kỳ thâm thúy về văn hóa truyền thống “ nuôi ”, thờ chó đá của người Việt. Anh không những là tay chơi nhà sàn nổi tiếng miền Bắc ( do đó ông có biệt danh là Đức ” nhà sàn ” ) mà còn là tay ” nuôi ” và sưu tầm chó đá cổ số 1 của nước ta .
Nhà văn Kim Lân hồi trẻ luôn “ nuôi ” mấy con chó đá, con thì gác cổng, con gác cửa nhà, thậm chí còn gác cả phòng ngủ. Mấy anh chị em nhà họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức mê chó đá từ khi còn bé tí tẹo cũng bởi vì thế. Bố mải viết văn, mẹ đi làm, mấy chị em chỉ biết chơi đùa với chó đá. Thậm chí còn cưỡi chó đá đến nhẵn bóng cả sống lưng nó. Chính vì hình ảnh con chó đá lặn vào tâm hồn tuổi thơ nên anh có ấn tượng rất sâu về nó. Hồi về những vùng quê sáng tác, thấy người nông dân đem chó đá quẳng ra bờ sông, bờ ruộng, vứt chỏng chơ ngoài vườn, anh thấy thương cho nó, nên bỏ dăm ba đồng ra mua rồi khuân về bày kín vườn. Đám buôn đồng nát thấy lão họa sỹ này thích sưu tầm chó đá thì hễ thấy người dân bỏ đi là nhặt về đem bán cho anh. Giá mỗi con chỉ dăm chục ngàn. Gặp con chó đá đẹp, đám đồng nát gạ gia chủ bán bằng được dù với giá cao. Tất nhiên, Đức “ nhà sàn ” thấy chó đá đẹp, cổ thì dù có bán nhà cũng phải mua bằng được, chứ không đành lòng để người ta đem … nung vôi. Cứ cần mẫn sưu tầm như vậy, nên có thời gian khắp trong nhà, ngoài ngõ, sân vườn nhà họa sỹ Đức chỉ thấy toàn … chó đá .

Ông Nguyễn Mạnh Đức, người chuyên sưu tầm chó đá.

Giới họa sĩ là những người thích “nuôi” chó đá nhất, và nếu cần thì chỉ việc “alô” cho Đức “nhà sàn” là muốn bao nhiêu cũng có. Còn nhớ, năm 2000, họa sĩ Nguyễn Minh Thành mở triển lãm có tên “Bữa tiệc”, đã phải mượn 300 con chó đá của Đức “nhà sàn”. Triển lãm này gây tiếng vang khá lớn vì lạ mắt, độc đáo. Triển lãm đã dựng lại một nền văn hóa “nuôi” chó đá cổ xưa của người Việt. Hàng trăm con chó đá với những khuôn mặt biểu cảm khác nhau cùng chung vui trong một bữa tiệc. Sau triển lãm ấy, Nguyễn Minh Thành thì nổi tiếng, còn Nguyễn Mạnh Đức thì hốt bạc. Bởi vì, sau khi triển lãm kết thúc, số chó đá ấy đã bán hết veo. Có con bán được với giá vài chục triệu.

Và cũng từ đấy, Đức “ nhà sàn ” bận tối mặt, tối mũi từ sáng đến đêm, long dong hết miền quê này đến miền quê khác, rồi tạo dựng nên cả một đường dây mua và bán đồng nát chuyên thu mua chó đá của dân cư khắp vùng Bắc Bộ. Ai cần bao nhiêu chó đá cũng có, từ con cổ đến con mới tinh, từ con giống y hệt đến con thô mộc, từ con có giá vài chục ngàn đến con có giá vài triệu đến vài chục triệu, Đức “ nhà sàn ” cũng phân phối được tuốt. Số lượng chó đá anh sưu tầm rồi bán cho đồng đội họa sỹ, cho những nhà doanh nghiệp mê tín dị đoan, cho những người thích “ nuôi ” chó đá phải đến vài ngàn con. Tuy nhiên, hầu hết người ta chỉ mua một hoặc hai con để chôn trước cửa nhà, trước cửa cơ quan, còn đại gia đình nhà họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, gồm ông anh họa sỹ Thành Chương và bà chị tên là Hiền ở miền Nam thì mỗi người “ nuôi ” đến vài trăm con trong nhà. Được biết, chị Hiền hiện đang “ nuôi ” khoảng chừng 400 con, còn họa sỹ Thành Chương thì xếp không biết bao nhiêu chó đá ở cái “ phủ ” rộng bát ngát của mình trên Sóc Sơn. Từ gốc cây, cột đá, từ mảnh vườn, góc sân, cửa lớn, cửa bé đều có một vài con chó đá sứt mẻ, lên vết rạn thời hạn ngồi chễm chệ. Thậm chí, trước miếu thờ Thiên, tôi đếm đến 30 con, ngồi gác cổng, với đủ những loại vẻ mặt khác nhau, con mếu máo, con cười toe toét rất sinh động .

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thì lịch sử của nước ta là chiến tranh, giặc giã liên miên, rồi người chết vì đói kém, bệnh tật, vì oan nghiệt… do vậy con người luôn sống trong sự cảnh giác. Để có được cảm giác an tâm thì họ nuôi con chó để nó giữ nhà. Nhưng con chó bình thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” chó đá. Do vậy, người ta đẽo một con chó đá và chôn trước cổng hoặc cửa nhà. Xưa kia, ở hầu hết các công trình như cổng làng, cổng chùa, đình, thậm chí cả đầu những chiếc cầu, cống các cụ già đều chôn chó đá để trấn trạch. Nhiệm vụ của chó đá là xua đuổi tà ma, yêu quái vào nhà quấy nhiễu, xua đuổi bệnh tật, mang đến tài lộc cho gia chủ. Chính vì nó có ý nghĩa như vậy nên một số người am hiểu văn hóa cổ của dân tộc thường tặng nhau con chó đá vào ngày tết với ý nghĩa mang lại nhiều tài lộc. Một số doanh nghiệp mua chó đá của Nguyễn Mạnh Đức để bày biện trong những ngày khai trương, hoặc đặt nó ở trước cổng cơ quan.

Con chó đá không những mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà nó còn có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ. Chính vì vậy, giới kiến trúc và giới họa sĩ mê chó đá nhất. Có con chó đá bày biện trong nhà, ngoài vườn, kiến trúc ngôi nhà sẽ trở nên hài hòa và mang những nét văn hóa độc đáo.


Trước miếu thờ Thiên ở ” phủ ” Thành Chương có tới 30 con chó đá .Ngày xưa, nhìn vào con chó đá ngồi ở cổng là người ta có thể nhận biết gia đình đó là giàu có, sang hèn ra sao. Những nhà giàu, có thế lực, am hiểu phong tục thường thuê thợ khéo đục chó đá to lớn, giống chó thật, cổ đeo cả chuông, khánh. Những trọc phú thì thường chơi chó gốm, đẹp, to, dữ dằn, bệ vệ, thể hiện sự giàu có về vật chất. Đức “nhà sàn” cũng như đại gia đình anh thì chỉ thích loại chó đá mà dân chúng “nuôi”. Loại chó đá này chỉ mang dáng dấp của con chó chứ không thật giống. Để làm ra nó, người ta không cần có lý thuyết, mô hình gì, chỉ cần vài đường đục đẽo đơn giản cho ra hình dáng. Khi xây nhà, người ta thường tự đục đẽo lấy, do vậy, mỗi con chó đá mang một dáng dấp, hình dạng khác nhau. Người đẽo chó đá có tính cách như thế nào thì nó biểu hiện ra con chó đá như vậy. Mỗi gương mặt con chó đá có một đời sống khác nhau rất sinh động: con bệ vệ, oai phong, con tham ăn, tham uống, con yếu đuối, hiền lành, con dữ dằn, ma mãnh, con lo âu, sợ hãi, con vui vẻ, hoan hỉ… Những con chó đá dân gian này rất tự nhiên, không theo quy ước, quy định gì và do vậy nó mang tính cách điệu rất cao. Chó đá gần gũi, đơn giản, gắn với đời thực chứ không thần thánh hóa như những con nghê đá thường thấy trưng bày ở nhà giàu.

Để kết thúc bài viết, xin trích một đoạn hồi ký của nhà văn Tô Hoài : ” Chẳng biết từ khi nào, ở chỗ đường cái vào, áp vách đầu nhà tôi, có con chó đá … Đây là con chó đá canh cổng, nhiều nhà có. Chó đá canh cổng trông quen mắt như cái bình vôi treo ở đám rễ si, rễ đa. Chỉ khác con chó đá nhà tôi bé tí teo, còn bên cổng đình, cổng chùa thì con chó đá lừng lững cao to bằng chó thật. Chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như sắp nhổm lên sủa người lạ vào nhà. Ở chỗ thờ cúng, thế mà trẻ con nghịch thi nhau cứ xoa đầu chó, rồi doạng chân ra cưỡi chó. Chúng nó chẳng biết con chó đá là thần canh cửa nơi miếu mạo và cổng ngõ nhà có của. Bắt chước nhau, lắm nhà méo mặt chạy ăn từng bữa cũng đẽo con chó đá đem về chôn bên cổng. Ý chừng ao ước rồi cũng có ngày biết mặt đồng xu tiền, nên rước sẵn chó đá về ngồi ấm chỗ canh cửa, đón tài, đón lộc … Mỗi chiều rằm, mùng một, bà tôi lấy chiếc bát đàn múc trong vại bên gốc cau ra bát nước mưa, một lá trầu không quệt sẵn vôi và miếng cau khô, một nén hương, đem đặt trước mõm chó đá. Bà chắp tay, khấn lâm râm rồi vái mấy vái. Cũng con chó đá bên cổng xây nhà ông bá giữa xóm thì tuần rằm được hai nén hương, một miếng thịt lợn sống đặt giữa cái đĩa sứ, một cút rượu mở sẵn nút. Nhà có, nhà nghèo đều khói hương những ngày tết nhất mời ông thần khuyển về “ thượng hưởng ” …

Rate this post

Bài viết liên quan