Các phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc-xin dại Verorab

Giống như những loại vắc-xin khác, vắc-xin ngừa bệnh dại cũng sẽ có một số phản ứng nhất định đối với một vài trường hợp khi tiêm. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn này thường không quá nghiêm trọng và hiếm xảy ra.

Bệnh dại hiện vẫn là một căn bệnh nhức nhối của y khoa vì không có biện pháp điều trị giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn. Một khi đã được chẩn đoán mắc bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối. Vi rút dại tồn tại trong nước bọt động vật, gây bệnh cho người bằng cách xâm nhập qua vết cắn hoặc cào, tổn thương da và niêm mạc. Cách duy nhất có thể làm được là dự phòng bệnh dại ở tất cả những người bị động vật cắn. Tuy nhiên, việc tiêm phòng dại sau khi phơi nhiễm với các vết thương do động vật gây ra còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Người dân có nhiều hoài nghi về công dụng và các tác dụng phụ của vắc-xin dại. “Tiêm phòng dại có hại không” hay “tiêm phòng dại cho trẻ có hại không” luôn là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi được nhân viên y tế tư vấn phòng bệnh dại sau khi bị chó hay mèo cắn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin phòng dại là loại vắc-xin an toàn và có hiệu quả phòng bệnh dại cao. Đây là loại vắc-xin bất hoạt, nghĩa là các thành phần của vi rút được trích xuất trong vắc-xin không còn khả năng gây bệnh dại. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vẫn có thể tiêm dự phòng dại nếu không may bị chó cắn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vắc-xin phòng bệnh dại không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và không ảnh hưởng khi cho trẻ bú mẹ. Những đứa trẻ được sinh mổ từ những người mẹ được tiêm vắc-xin phòng dại hoàn toàn khỏe mạnh. Những người sau khi bị động vật cắn cần được sơ cứu đúng cách bằng việc xối rửa vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong ít nhất 10 phút. Nếu có rượu 70 độ, cồn, hoặc thuốc sát khuẩn nên sử dụng ngay để rửa vết thương. Sau đó, người bị thương cần đến trung tâm y tế để được tư vấn điều trị dự phòng bằng vắc-xin phòng dại càng nhanh càng tốt.

Rate this post

Bài viết liên quan