Chân tóc có mụn mủ là bệnh gì?

Chân tóc có mụn mủ là biểu hiện của viêm nang lông. Đây là một rối loạn viêm ảnh hưởng đến các nang tóc ở da đầu, được đặc trưng bởi mụn ở chân tóc nhỏ và ngứa. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng viêm nang lông trên da đầu có thể gây ngứa ngáy, đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

1. Viêm nang lông da dầu là gì?

Viêm nang lông da đầu là tình trạng xuất hiện mụn ở chân tóc, gây ra phản ứng viêm hoặc kích ứng. Tác nhân gây ra tình trạng viêm thường gặp là do vi khuẩn, nấm cũng như các điều kiện khác, chẳng hạn như lông mọc ngược, kém vệ sinh.

Triệu chứng của viêm nang lông da đầu thường bắt đầu với dấu hiệu chân tóc có mụn mủ hay chân tóc có màu trắng. Viêm tấy xuất hiện dọc theo chân tóc phía trước trán. Sau đó, những nốt mụn này dần dần sẽ phát triển lớn, viêm ngày càng nặng nề hơn. Nếu không điều trị, viêm nang lông da đầu có thể lan đến các nang tóc ở vùng trung tâm hoặc phía sau đầu.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của viêm nang lông da đầu bao gồm:

  • Hình thành các cụm vết loét đầy mủ hoặc đóng vảy trên da đầu;
  • Xuất hiện nốt mụn đóng vảy, chân tóc có màu trắng hay chân tóc có mụn trắng;
  • Vết loét có vảy màu nâu hoặc vàng;
  • Lớp da đầu bị viêm tấy;
  • Cảm giác ngứa và rát da;
  • Có thể có sốt nhẹ.

2. Các nguyên nhân gây viêm nang lông da đầu là gì?

Các nguyên nhân gây ra viêm nang lông da đầu bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn;
  • Nhiễm trùng nấm men;
  • Tiếp xúc với nước không có clo trong bồn tắm nóng;
  • Lông mọc ngược;
  • Sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ lâu dài;
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.

Bên cạnh đó, khi có các yếu tố nguy cơ sau, 1 người có thể bị tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông ở da đầu hơn những người khác:

  • Thường xuyên cạo đầu;
  • Đội mũ trùm đầu hoặc đội mũ bảo hiểm;
  • Có thói quen gãi hoặc chà xát da đầu;
  • Nhổ tóc;
  • Có mái tóc dày hoặc xoăn;
  • Là nam giới;
  • Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài;
  • Bị mụn trứng cá hoặc viêm da;

Viêm nang lông da đầu

3. Cách điều trị của viêm nang lông da đầu như thế nào?

Có một số lựa chọn điều trị cho bệnh viêm nang lông ở da đầu. Các biện pháp điều trị tại nhà sau đây có thể hữu ích khi điều trị các trường hợp nhẹ:

  • Tránh cắt tóc và cạo đầu trong vài ngày mắc bệnh. Nếu cần thực hiện, nên sử dụng dao cạo sạch và mới tinh;
  • Có thể chườm ấm để làm dịu vùng da viêm, sưng nề và tiêu mủ;
  • Bôi thuốc mỡ kháng sinh lên các nốt sần lớn và vết loét hở;
  • Sử dụng thuốc kháng histamin mức độ nhẹ hoặc kem bôi steroid tại chỗ để giảm viêm;
  • Gội đầu bằng dầu gội trị gàu.

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ da liễu nếu bị viêm nang lông da đầu nặng hoặc dai dẳng mà không cải thiện bằng các phương pháp điều trị tại nhà. Lúc này, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân cơ bản và kê đơn phương pháp điều trị hiệu quả, có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh dùng đường uống hoặc bôi;
  • Một loại steroid tại chỗ mạnh theo toa;
  • Thuốc mỡ chống nấm tại chỗ;
  • Dầu gội chống vi khuẩn;
  • Liệu pháp ánh sáng để diệt vi khuẩn và nấm trên da đầu;
  • Triệt lông bằng laser để phá hủy các nang lông bị nhiễm trùng;
  • Phẫu thuật dẫn lưu các tổn thương lớn chứa đầy mủ.

4. Các biến chứng viêm nang lông da đầu có thể gặp phải

Viêm nang lông da đầu không phải là 1 trường hợp cấp cứu y tế, hầu hết người bệnh mắc phải với mức độ nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu một người không điều trị viêm nang lông da đầu 1 cách tích cực thì sự trì hoãn có thể dẫn đến:

  • Hình thành mụn nhọt hoặc mụn bọc lớn, chứa đầy mủ dưới da;
  • Xuất hiện những mảng da sẫm màu;
  • Để lại những vết sẹo sau khi sang thương da lành;
  • Rụng tóc vĩnh viễn;
  • Nhiễm trùng da mãn tính hoặc tái phát;
  • Viêm mô bào hay nhiễm khuẩn da.

Biến chứng viêm nang lông

5. Cách phòng ngừa viêm nang lông da đầu

Các chiến lược sau có thể giúp ngăn ngừa viêm nang lông da đầu:

  • Vệ sinh cơ thể hằng ngày, gội đầu thường xuyên;
  • Xả sạch các sản phẩm tạo kiểu tóc ngay sau khi dùng;
  • Hạn chế đội mũ trùm hay mũ bảo hiểm kém vệ sinh trong thời gian dài;
  • Tránh cạo đầu bằng dao cạo cùn xỉn màu hoặc không vệ sinh;
  • Không nên tắm gội với nguồn nước không được xử lý không đúng cách.

Ngoài ra, để giúp giảm nguy cơ viêm nang lông trên da đầu nói riêng cũng như các vùng khác trên cơ thể nói chung, người bệnh nên điều trị các tình trạng cơ bản của mình, cụ thể là:

  • Những người có tình trạng bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, HIV hoặc đái tháo đường, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được điều trị phòng ngừa nhiễm trùng hay nâng cao sức đề kháng.
  • Những người có tiền sử sử dụng kháng sinh tại chỗ lâu dài nên xem xét các lựa chọn điều trị thay thế khác.

Một số bệnh nhân thường lo lắng viêm nang lông có lây không. Thật sự bệnh viêm nang lông da đầu nếu do yếu tố cơ địa thì thường không lây. Tuy nhiên, các tác nhân lây nhiễm, chẳng hạn như vi khuẩn và nấm có thể khiến viêm nang lông da đầu dễ lây lan nếu có các hành vi nguy cơ như dùng chung dao cạo râu, khăn tắm, bàn chải tóc và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác.

Tóm lại, viêm nang lông da đầu với biểu hiện thường gặp là chân tóc có mụn mủ có thể gây khó chịu và đau đớn cho người mắc phải. May mắn là một số phương pháp điều trị đơn giản tại nhà không kê đơn có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu một người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn làm suy giảm hệ thống miễn dịch, nguy cơ bệnh sẽ lan rộng hay trở nên nặng nề hơn và khó kiểm soát. Theo đó, cần thăm khám tại chuyên khoa da liễu để được tìm nguyên nhân và tích cực kiểm soát tình trạng viêm nang lông ở da đầu.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, skinkraft.com/blogs

Rate this post
Banner-backlink-danaseo

Bài viết liên quan