TTC – Mấy bữa rày dân ghiền thịt chó ớn ba cái vụ mắm tôm bị “ Tào Tháo rượt ” ( chạy vô bệnh viện tá lả ) nên tính tới chuyện ăn thịt chó mà … không cần mắm .
Đã có nhiều kế sách được đưa ra bảo đảm vừa xơi cầy ngon lành được, mà vẫn không ảnh hưởng gì tới cái đường ruột. Nhờ đó mà các quán cầy tơ ở Sài Gòn vẫn nhộn nhịp đông khách.
Bạn đang đọc: Thịt chó thời… không mắm (tôm)
Thế vai
Tại quán H ở đường Hồng Hà (Quận Tân Bình. TP.HCM), sau khi đem ra một dĩa đùi luộc béo ngậy, chủ quán vẫn cho chén mắm tôm như thường lệ, nhưng lại có kèm thêm 3 – 4 dĩa muối ớt đỏ lựng. Cô tiếp viên đon đả mời khách bằng giọng Bắc đặc ruột: “Nếu các anh không dùng mắm thì chúng em có muối ớt thế chỗ đấy ạ! Ngoài ra, còn có muối tiêu, cơm mẻ, tương, chao cũng chấm được, đảm bảo không mất mùi… chó anh ạ!”. Vì sợ phải vô bệnh viện truyền dịch, nên chúng tôi đều để chén mắm ở ngoài rìa. Thế là cuộc nhậu vẫn bắt đầu rôm rả vô tư với các món chấm thế vai, và vẫn ngon lành như chưa từng bị thiếu mắm.
Được chừng 2 tuần rượu thì anh bạn quê gốc Hưng Yên… hết chịu nổi. Anh hầm hừ: “Thịt chó mà không mắm thì còn quái gì thịt chó!”. Anh bèn lôi chén mắm ở góc bàn ra, xin thêm chanh rồi nặn thật nhiều vào mắm. Anh lý luận: “Chanh có tác dụng sát trùng, pha tỉ lệ mắm ít hơn – chanh nhiều hơn sẽ tẩy được mấy con vi khuẩn gây bệnh chảy. Ngoài ra, cũng nên tăng cường ăn lượng lá mơ, củ riềng vào để làm ấm bụng. Chúng cũng là vị thuốc Đông y chữa bệnh đường ruột khá hay đấy!”. Nói dứt lời, anh cũng vừa pha xong chén mắm chanh. Sau khi khuấy một hồi cho nổi bọt trắng thấy thèm, anh gắp một miếng chó luộc chấm một cái thật nặng tay, rồi bỏ vô miệng nhai ngồm ngoàm. Anh vừa hít hà vừa vỗ đùi cái đét: “Thế mới là… chó chứ!”.
Trong khi đó, quán T.Đ. ở Thị Nghè đã rước hẳn một ông thợ chuyên làm nước chấm ở miền Tây lên để chế biến các loại cơm mẻ, cẩm tương… theo kiểu dân Nam bộ ăn thịt chó trước đây. Và quán cũng thêm vào thực đơn món “hầm hon”, thế vào món “rựa mận” mà xưa nay dân ghiền cầy vẫn thường dùng. Tất nhiên, món “hon” của Nam bộ không có ướp củ riềng và càng không có món “độc” mắm tôm. Nước chấm cũng thay bằng tương xay trộn đậu phộng và nước cốt dừa béo ngậy. Chủ quán hể hả quảng cáo bằng bài ca “Thôi thế từ nay hết… (tiêu) chảy (cấp) rồi…” cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của khách khứa. Anh Trần Văn Sáu, một “cầy viên” quê ở Trà Vinh bỗng cất giọng bồi hồi: “Có cả chục năm rồi không ăn được món “hon” quê nhà. Thiệt lòng cũng cám ơn thằng dịch tiêu chảy cấp, nhờ nó mà mình được “về lại mái nhà xưa”.
Xem thêm: Những giống chó Pug lai phổ biến
Cùng bắt nhịp nhu cầu thực khách, các quán cầy truyền thống ở đường Bạch Đằng (gần sân bay) cũng bắt đầu đưa thêm vào những thức chấm thay thế như cơm mẻ, muối ớt, tương xay… khá hấp dẫn. Thậm chí có quán còn treo cả tấm bảng “Nơi đây không có mắm tôm… ngoại nhập” (ý nói xài mắm trong này, không phải “ngoài kia” đem vô).
Đem cầy về nhà
Từ lâu, một số gia đình có truyền thống khoái cầy, nhưng dị ứng với hàng quán ồn ào, không đảm bảo vệ sinh, đã đem món cầy về nhà tự nấu. Lúc đầu, người ta phải tới các quán cầy chia lại thịt với giá trời ơi mà có lúc tìm không ra hàng. Nhưng càng về sau, dân làm cầy như bắt nhịp được nhu cầu tiêu dùng nên đã mở quầy bán cầy cũng khá bắt mắt không kém gì thịt bò. Mỗi buổi sáng, nếu muốn mua thịt cầy “hơi”, bạn chỉ cần chạy xe tới chợ Xóm Mới, trên đường Lê Đức Thọ (P.15, Gò Vấp) sẽ thấy các sạp thịt cầy vàng ươm. Còn buổi chiều thì cứ tới chợ Căn Cứ (gần ngã năm Chuồng Chó, P.17, Gò Vấp) cũng có “hàng” tươi rói. Giá cả hết sức mềm, từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Đặc biệt người bán còn “tư vấn” thêm cho khách cách nấu các món từ hấp, nướng, dồi, xào lăn cho tới xáo măng, rựa mận. Thậm chí bạn muốn hỏi cách nấu món cháo đậu xanh… chó, chủ hàng cũng giải thích tường tận. Ngoài ra, các món rau kèm như lá mơ, sả, củ riềng… cũng được chủ hàng khuyến mãi vô tư. Nếu muốn mua gia vị, thì đây, ngay kế bên đã có người bán đủ món tương, chao, ngũ vị hương, và đặc biệt không thể thiếu là món mắm tôm. Bà Vũ Thị Lang, quê ở Thanh Hóa, chuyên bán gia vị nấu chó ở đường Lê Đức Thọ tỏ vẻ rất am hiểu thời sự: “Từ khi có dịch tiêu chảy cấp, tôi vẫn chuẩn bị món mắm tôm đem ra bán, nhưng phòng hờ khách không ăn, tôi làm thêm cơm mẻ, tương xay… bán kèm. Thực ra cũng oan cho mắm bị vạ lây do “con sâu làm rầu nồi canh” thôi, chứ mắm Sài Gòn đâu phải tất tần tật đem từ ngoài kia vào. Vả lại cũng chưa có ai trong này bị vào viện vì mắm tôm cả. Chẳng mắm thì tương, có gì đâu!”.
Ngộ một điều là không chỉ có các ông đi mua thịt chó đâu nghen. Các bà nội trợ thời nay đã bắt đầu đưa món chó vào thực đơn hàng ngày, chủ yếu là món nướng, hấp, chiên muối ớt hoặc khìa nước dừa, hầm đu đủ. Chị Trần Ngọc Bích ở Phường 9 (Phú Nhuận) cho biết: “Đem chó về nhà nấu là 1 trong “10 lý do vui” để kéo mấy ông chồng không phải lê la các quán nhậu. Thêm nữa, cầy là món bổ dưỡng, tụi nhỏ cũng rất thích, nên làm cho cả nhà cùng ăn luôn. Được cái, tôi nấu theo kiểu miền Tây, thay vì trước đây nấu “heo giả cầy” thì mình nấu cầy “rặt” luôn, chết chóc gì!”. Rồi chị bật cười sảng khoái: “Nói nhỏ anh nghe chớ mấy bà bạn tụi tôi trước đây lâu lâu cũng kéo ra quán cầy làm vài ve rôm rả lắm! Bây giờ thì kéo về nhà luôn cho tiện. Dĩ nhiên, không cần mắm tôm đâu, vì nấu theo kiểu miền Tây mà…”.
Phóng toTuổi Trẻ Cười số 345 ( ra ngày 1-12-2007 ) hiện đã xuất hiện tại những sạp báo .
Mời bạn đọc đón mua để chiêm ngưỡng và thưởng thức được hàng loạt nội dung của ấn phẩm này .
Chúc bạn đọc có thật nhiều thời hạn thư giãn giải trí tự do !
Source: https://thucanh.vn
Category: Chó cảnh