Hachiko chú chó đợi chờ

    Nguyễn Ngọc Thủy Anh_7a5

 Mỗi cuốn sách như những phép màu vô cùng phi thường, đưa con người ta đến thế giới mới lạ, thế giới của tri thức, thế giới của tâm tư, tình cảm và những điều tốt đẹp xung quanh chúng ta. Hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ bảy, tôi mang đến đây một tác phẩm nổi tiếng của Luis Prats đã lấy đi nước mắt của rất nhiều độc giả và để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi-Hachiko chú chó đợi chờ.

Bạn đang đọc: Hachiko chú chó đợi chờ

 Nhắc đến tác giả Luis Prats, ông sinh năm 1966 tại Tây Ban Nha. Ông từng nghiên cứu về Lịch sử Nghệ thuật và Khảo cổ học tại một số trường ở quê nhà của mình. Ngoài ra, ông cũng từng là một giáo viên, một biên tập viên nghệ thuật,… Và cuốn sách “Hachiko chú chó đợi chờ” là một trong số mười tác phẩm mà ông viết cho thiếu nhi. Bên cạnh giọng văn mộc mạc và đầy cảm xúc của ông Luis Prats là những bức tranh màu nước rất tao nhã, có hồn của Zuzanna Celej khiến cho câu chuyện được tái hiện trước mắt chân thực hơn bao giờ hết.

 Bắt đầu một năm mới là một câu chuyện vô cùng cảm động… Tôi thực sự rất tâm đắc với cuốn sách này. Nó được chia thành từng chương nhỏ, mỗi chương cũng không quá dài nhưng chúng vẫn mang đến cho những người độc giả như tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: thanh bình, yên ả mỗi lúc giáo sư Eisaburo Ueno đi dạo cùng với chú chó của mình trong công viên, hay đau buồn, xót xa khi ông Ueno đột quỵ rồi ra đi mãi mãi không một lời từ biệt với chú chó của mình. Nhưng dù vậy, tác giả cuốn sách vẫn cho tôi cảm nhận được một niềm tin bất diệt từ trong trái tim của Hachiko. Nó vẫn ngồi đó tại ga tàu Shibuya, ngày qua ngày chờ đợi người chủ đã khuất “quay trở về”.

 Câu chuyện này được chia theo hai mốc thời gian chính: từ năm 1924 đến năm 1925 và từ năm 1925 đến năm 1935. Quãng thời gian hơn một năm đầu, Hachiko được nhận nuôi và sống hạnh phúc bên cạnh giáo sư Ueno. Nhưng tai ương bất ngờ ập đến khiến tôi cảm thấy đau xót vô cùng.

 Mối duyên giữa giáo sư Ueno và Hachiko cũng bắt đầu rất tình cờ thôi. Cô con gái nhỏ của ông muốn có một chú chó làm bạn nên họ đã quyết định mua một chú chó Akita. Thờ ơ là thế, phu nhân của giáo sư-bà Ueno đã nhắc ông về việc đón chú chó về từ buổi sáng thế nhưng ông lại quên bẵng đi mất, dường như ông chẳng có hứng thú gì với Hachiko cả. Vội vàng chạy ra ga tàu, ông Ueno nhận được một chú chó con lạnh cóng tưởng chừng như đã chết trong một chiếc hộp các-tông cũ nát lạnh lẽo với không đồ ăn, thức uống. Và thế là tình cảm giữa Hachiko và giáo sư Eisaburo Ueno bắt đầu từ cái đêm lạnh giá ấy. Từ lần đầu tiên giáo sư nhìn vào đôi mắt nó, đôi mắt buồn bã màu xám tro, ông nhận ra rằng đó không phải cái nhìn của sự căm hận, trách móc mà chúng toát lên sự sâu sắc, thông minh: “nhìn như không mong chờ gì cả nhưng đồng thời lại như mong đợi tất cả.” Cũng chính từ ánh mắt đó mà giữa giáo sư và chú chó Akita bé nhỏ đã dần dần hình thành một sợi dây liên kết vô hình. Và rồi từ đấy, họ luôn đồng hành cùng nhau, ông đối xử với Hachiko như đứa con trai bé nhỏ của mình, luôn yêu thương, che chở cho nó. Ngược lại, Hachiko cũng rất yêu quý người chủ đáng kính của mình. Đó là một thứ tình cảm rất tự nhiên, chân thành và không có gì có thể phá vỡ được. Giờ đây, tâm hồn tôi như được sưởi ấm bởi thứ tình cảm nồng nàn mà họ dành cho nhau.

 Thời gian thấm thoát trôi đi, Hachiko đã có riêng cho mình một thói quen thường ngày. Như thường lệ, nó thức dậy cùng giáo sư Ueno trên chiếc giường êm ái, ngắm nhìn ông làm mọi việc từ lúc ông đun nước pha trà, rồi trầm tư nhâm nhi tách trà còn nóng ấm. Đã tám giờ rồi, nó hớn hở đi theo giáo sư đến ga tàu Shibuya và tiễn ông ở đó, quay trở về nhà trong lòng đầy vui sướng. Và rồi đúng năm giờ mười lăm phút chiều, nó lại cào cửa để bà Ueno mở ra rồi nó phóng như tên lửa ra ga tàu. Chờ…chờ… và chờ cho đến khi nó nhìn thấy giáo sư Ueno bước xuống với nụ cười nửa miệng, gõ nhịp lên những viên đá cuội bằng chiếc ba toong đầu bịt bạc. Nó chạy tới chỗ ông, ngoáy tít cái đuôi và thế rồi họ trở về nhà. Mặt chú ta đắc chí như vừa hoàn thành nhiệm vụ vậy. Mọi thành viên trong gia đình ông Ueno đã quá quen với nhịp sống này. Nhưng cái ngày tuyệt vời nhất với Hachiko lại là thứ bảy, đây là lúc giáo sư dắt nó đi dạo trong công viên Yoyogi hay các vườn cây ở Chiyoda, nó rất chăm chú nghe ông chủ của mình nói về những cây sồi, anh đào, những hàng cây hạnh nhân hay những chú bướm mặc dù nó chẳng hiểu gì cả. Những tháng ngày bình yên, rực rỡ tràn đầy sắc hồng đẹp đẽ ấy chẳng kéo dài được bao lâu cho đến cái ngày mà giáo sư Ueno mất. Tôi đã thực sự cảm thấy hụt hẫng nhưng đây dường như là điểm nhấn để bắt đầu một cuộc hành trình mới của Hachiko trong sự nôn nóng và hồi hộp của các độc giả. Sau cái chết đầy đau buồn của ông Ueno, Hachiko chẳng thể sống yên ổn được ngày nào. Bị bà Ueno bắt vào trại chó hoang, cậu đã thoát được khỏi sự đánh đập và ruồng bỏ ở nơi kinh khủng đó. Hachiko đã quay trở về nhà-nơi chứa đựng tất cả những kỉ niệm của nó và ông chủ của mình. Nó sống cuộc đời lang thang quanh cái nhà ga Shibuya ấy. Hachiko lại tiếp tục chờ… Tại vì giáo sư Ueno mà Hachiko đã ngốc nghếch chờ đợi, cứ chờ hoài, chờ mãi. Thật ngu ngốc quá mà! Tôi cứ ngỡ rằng Hachiko không hề hay biết đến cái chết của ông chủ mình. Nhưng không! Nó biết điều đó, biết rất rõ điều đó nhưng thứ tình cảm mà Hachiko dành cho giáo sư Ueno quá mãnh liệt đến mức nó đã tự lừa dối bản thân. Niềm tin, niềm hy vọng ấy đã trở thành động lực cho Hachiko ngày ngày đến ga Shibuya, cũng như gắng gượng sống tiếp. Thứ tình cảm đó đã phá tan mọi ranh giới của sự khác biệt giữa người và vật, nó ấm áp, nồng nàn như tình cảm giữa người với người vây. Hachiko tội nghiệp! Nhưng chính cái sự ngốc nghếch, dại khờ đó đã khiến tôi, nhiều độc giả cũng như những người dân Nhật Bản vô cùng thán phục và ngưỡng mộ. Thực sự rất khó để tiếp tục đọc những trang sách tiếp theo khi tôi cứ rơm rớm nước mắt như thế này. Cứ thế, cứ thế cũng đã tám năm trôi qua, mọi người tại ga tàu Shibuya đã quá quen với việc nhìn thấy một chú chó Akita với ánh mắt đăm chiêu hướng về dòng người đi ra từ những chiếc tàu hỏa. Hachiko vẫn kiên trì như thế chỉ vì một lý do rất đơn giản thôi: Giáo sư Ueno đã trịnh trọng hứa với nó rồi. Hachiko bước sang tuổi mười một, nó nhìn thê thảm quá! Bốn chân run lẩy bẩy không bước nổi, mắt cũng chẳng thể thấy rõ. Và cái ngày định mệnh đó cũng đến, ngày mùng tám tháng ba, Hachiko vẫn tiến vào nhà ga lúc năm giờ mười lăm phút chiều. Khập khiễng bước đi trên con đường quen thuộc. Đêm đó là đêm cuối cùng Hachiko phải chờ đợi. “Khi đêm đến, nó quay về bên dưới toa tàu cũ, nằm giữa những đường ray  sắt, nhắm mắt lại và mơ…” Viết đến đây lòng tôi day dứt mà sao vẫn có chút vui mừng. Phía xa xa kia là một chiếc tàu hỏa đang tiến tới, Hachiko đứng dậy, từ trong tàu bước ra là giáo sư Ueno với điệu cười và chiếc ba toong thân thuộc. Khoảnh khắc gặp lại vỡ òa trong cảm xúc, nghẹn ngào, đau lòng nhưng cũng vui mừng vì Hachiko đã gặp lại ông chủ của mình.

 Đến trang cuối cùng của cuốn sách, tôi đã suýt khóc nấc lên… Đó là khi bình minh ló rạng, người dân ở ga Shibuya vây quanh xác của Hachiko trên nền đất trắng xóa, “lạnh cóng như một bông tuyết”.

Hachiko đã chết rồi!

 Nhưng nó đã đoàn tụ được với chủ nhân của mình ở thế giới bên kia. Nó đã bỏ ra chín năm, chín tháng và mười lăm ngày để được gặp lại ông Ueno. Chín năm, chín tháng và mười lăm ngày đối với Hachiko chỉ là một giấc ngủ dài và khi thức dậy giáo sư Ueno đã không thất hứa. Về sau, chính quyền địa phương đã tạc một bức tượng đồng nhằm tôn vinh sự trung thành của chú chó Akita dũng cảm này.

 Khó khăn là thế, khổ sở là vậy…Nhưng cũng đáng mà phải không, Hachiko?

Rate this post
Banner-backlink-danaseo

Bài viết liên quan