Cần làm gì khi cún bị chảy máu cam – Bệnh Viện Thú Y Petcare

Banner-backlink-danaseo

Cần làm gì khi cún bị chảy máu cam

Chảy máu cam, thường xảy ra trên cún hơn mèo, được định nghĩa là chảy máu cấp tính từ lỗ mũi hoặc vòm họng.

Nguyên nhân chảy máu cam đột ngột có thể đơn giản do chấn thương hoặc viêm đường hô hấp trên. Hoặc do các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn và cần can thiệp ngay:

  • Nguyên nhân gây chảy máu 1 bên mũi: ngoại vật gây kích ứng mũi; abscess răng gây chảy máu cam kèm theo sưng vùng mắt hoặc vùng sống mũi; bướu trong mũi
  • Nguyên nhân gây chảy máu 2 bên mũi: côn trùng trong mũi gây hắt hơi và làm cún liên tục cào vùng mũi; nuốt phải thuốc diệt chuột hoặc ăn phải chuột bị nhiễm độc; do thuốc điều trị; rối loạn đông máu; rối loạn tự miễn; nhiễm ký sinh trùng máu do ve; nhiễm nấm ở mũi.

Bạn có thể làm gì khi cún bị chảy máu cam?

  • Việc đầu tiên là bạn phải thật bình tĩnh và giúp cho cún bình tĩnh, vì khi cún kích động sẽ làm huyết áp tăng, làm máu chảy nhiều hơn.
  • Chườm túi nước đá lên sống mũi. Với giống chó mõm ngắn (Pug, Bulldog, Perkingese…) có thể để túi nước đá trước mũi. Hơi lạnh sẽ làm co các mạch máu nhỏ và giúp giảm chảy máu.
  • Nếu máu không ngưng chảy hoặc cún có biểu hiện khó thở, hãy đưa đến gặp BSTY ngay.
  • Lưu ý rằng thú có thể nuốt nhiều máu nên sau giai đoạn này thú có thể nôn có cục máu đông hoặc đi tiêu ra phân đen. Các biểu hiện này thường gặp và không phải do xuất huyết đường tiêu hóa.

Làm thế nào để chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máy cam? Ngoài thăm khám trực tiếp, tùy trường hợp mà BSTY có thể đề nghị thêm các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác:

  • Xét nghiệm công thức máu để xác định thiếu máu, số lượng tiểu cầu…
  • Xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng gan thận, điện giải, lượng protein trong máu…
  • Xét nghiệm nước tiểu để xác định có máu trong nước tiểu hoặc các bất thường khác
  • X-quang kiểm tra vùng mũi, hầu, họng, vùng ngực
  • Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác như test nhanh ký sinh trùng máu do ve (Ehrlichia, Rickettsia…), xét nghiệm đông máu, đo huyết áp…

Việc cầm máu khi chảy máu cam chỉ là can thiệp tạm thời. Quan trọng là phải xác định được nguyên nhân, từ đó BSTY sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp để giải quyết triệt để triệu chứng.

Rate this post

Bài viết liên quan