Hình tượng chó trong văn hóa truyền thống Việt Nam

VNTN – Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, chó là loài vật nuôi được thuần dưỡng và trở nên thân thiện từ rất lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu về động vật thì loài chó như ngày nay chúng ta thấy, đã xuất hiện cách đây ít nhất 4 vạn năm, vào cuối kỷ băng hà. Và loài chó được con người thuần dưỡng làm vật nuôi cách đây cũng khoảng 15.000 năm. Hiện nay ở nước ta có 4 giống chó nội gốc, được gọi là “tứ đại quốc khuyển”, đó là: chó Bắc Hà, chó Lài, chó H’Mông cộc đuôi, chó Phú Quốc. Những giống này được cho là đã tồn tại ở Việt Nam từ 6.000 năm nay, đã đi vào lịch sử và văn hóa Việt Nam. Mục đích thuần hóa đầu tiên là dùng để đi săn bắt nhằm cung cấp thực phẩm cho con người, sau đó để trông giữ nhà cửa, bảo vệ con người và các loài vật nuôi khác.
Ngoài tên chó, con người còn đặt cho chúng nhiều tên khác nhau để tỏ sự yêu quý hoặc tránh dung tục. Đặt theo tên Hán Việt như: cẩu, khuyển, tuất; tên thuần Việt như cún, cầy, mộc tồn. Từ tên gọi cho ta thấy con chó trong đời sống văn hóa người Việt mang ý nghĩa biểu tượng hai mặt, đối nghịch nhau về bản chất tốt/xấu, lành/dữ. Tốt/lành vì nó là bạn gần gũi thân thiết của con người, với đức tính trung thành, thông minh, quả cảm. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều câu chuyện cảm động về các đức tính này. Xấu/dữ bởi nó có thể cắn người lạ nếu xâm phạm đến thân thể, của cải, nhà cửa của chủ; và có nhiều tập tính bản năng đáng ghét, bẩn thỉu, ngu dốt, kể cả tính cả ghen và đam mê nhục dục; là đối tượng bị khinh rẻ coi thường.
Tuy nhiên, với sự gắn bó mật thiết với con người và những đức tính tốt đẹp của nó, nên trong quan niệm của người Việt thì chó đem đến cho họ những điều may mắn, niềm vui, thuận lợi trong cuộc sống hàng ngày. Lâu dần chó đi vào đời sống văn hóa và đời sống tâm linh của con người, trong đó có cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong tín ngưỡng nhiều nơi ở nước ta có tục thờ chó. Một số tộc người thiểu số khác họ tôn thờ chó là vật tổ của mình. Trong văn học nghệ thuật dân gian, kể cả cận đại và hiện đại, chó cũng là đối tượng thể hiện sự sáng tạo của con người, nhiều tác phẩm đạt độ hoàn hảo và trường tồn.
Do khuôn khổ bài báo, xin đề cập ba nội dung chính: tục thờ chó; tín ngưỡng vật tổ; và con chó trong thành ngữ, tục ngữ của tộc người Tày.

Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì ( Hát Môn, Phúc Thọ, Thành Phố Hà Nội ) ( Nguồn : Internet )

Tục thờ chó

Tục thờ chó có ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, tục thờ chó đã có từ rất lâu đời, ở một số tộc người như Kinh, Tày, Nùng… Các tộc người thờ chó đều quan niệm rằng, con chó bằng xương bằng thịt chỉ trông coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm phải dùng chó đá, kể cả việc canh giữ dẫn dắt hồn người trong bóng đêm của cái chết sang thế giới bên kia. Tục thờ chó đá được thể hiện dưới nhiều hình thức. Ở mỗi vùng, mỗi tộc người cách thờ cũng khác nhau. Có nơi thì chôn dưới đất trước cổng, trước cửa hoặc bốn góc quanh nhà để trừ tà ma, cầu phúc, trấn trạch, canh giữ thổ địa. Có nơi thì đặt trang trọng trên bệ cao thờ như một bậc thần linh. Có nơi thì đặt ở các đền, miếu, đình, nghè. Tộc người Dao họ thờ chó bằng cách thêu hoặc in sáp hình ảnh con chó lên trang phục. Người Tày, người Nùng ở một số địa phương Việt Bắc có tục thờ chó đá ở trước cổng hoặc trước cửa nhà để trừ đuổi tà ma. Nghi lễ đặt chó đá được tiến hành nghiêm ngặt, đồng bào phải nhờ thầy cúng có uy tín chọn ngày tốt và mời thầy đến làm lễ cẩn thận. Ở tộc người Kinh tục thờ chó đá cũng có sự khác nhau theo vùng miền, ở nhà riêng thì đồng bào thường chôn trước cổng nhà; ở đình, đền, miếu, nghè thường đặt trên bệ đá, có hình khối to hơn chó thờ ở nhà. Các tỉnh trung du miền Bắc, các địa phương vùng châu thổ sông Hồng, nhiều tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam đều thịnh hành tập tục thờ chó đá. Ngày nay con vật linh này ở vùng đồng bào Kinh đã có chút ít thay đổi, thay vì làm bằng đá họ đã làm bằng các vật liệu khác như: đất nung, gốm sứ, các loại kim loại, thậm chí bằng kim loại quý. Tuy nhiên việc thay thế chất liệu này mang ý nghĩa trang trí, thậm chí là khoe đẳng cấp nhiều hơn ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng. Tương truyền có nhiều tượng chó đá ở đền, miếu rất thiêng như đôi chó đá ở đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Hà Tây cũ), đôi chó đá ở cửa Nghi Môn, điện Lam Kinh (Thanh Hóa). Có nơi còn lập hẳn đền thờ chó như thời vua Lý Công Uẩn – ngài cho dân lập đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội).
Nghi thức thờ chó đá ở các tộc người cũng khác nhau. Người Tày, người Nùng gọi chó đá là “Pỏ ma hin” (ông chó đá). Đồng bào rất coi trọng, ngày tết hoặc các ngày lễ trọng của gia đình như sinh nhật, cưới xin, ma chay, giỗ chạp, các tượng chó đá thờ được quan tâm đặc biệt, gia chủ đều thắp hương cúng bánh, kẹo, cơm, thịt. Ngày tết chó đá được tắm bằng nước lá bưởi đun sôi, sau đó gia chủ quàng lên cổ những vòng vải đỏ, hoặc giấy hồng điều để trang trí và thêm phần tôn kính. Khi chúc tết mọi người còn mừng tuổi chó đá bằng bao lì xì đỏ.

Tín ngưỡng vật tổ

Nhiều tộc người thiểu số khác ở Việt Nam như Dao, Lô Lô, Chăm, Cơ Tu, Bru, Tà Ôi, Xê Đăng, Stiêng, Gié triêng… trong tín ngưỡng đồng bào coi con chó là vật tổ của mình, họ kiêng giết và ăn thịt chó. Truyền thuyết về vật tổ (totem) ở các tộc người này về cơ bản khá giống nhau. Tuy nhiên ở mỗi tộc người lại có những nét khác nhau như những dị bản phù hợp với đời sống sinh hoạt của mình.
Truyền thuyết ở một số tộc người cư trú dọc dãy Trường Sơn và Tây Nguyên kể rằng: Thuở xa xưa có một trận đại hồng thủy, muôn loài đều bị chết hết. Chỉ còn một cô gái và một con chó đực sống sót nhờ nhanh chân trốn vào trong một chiếc trống. Khi nước rút, mặt đất xơ xác hoang tàn. Cô gái và con chó sống với nhau như vợ chồng. Họ sinh ra hai người con, một trai một gái. Lớn lên người con trai xuống đồng bằng kiếm kế sinh nhai. Người con gái ở lại trên núi kiếm sống qua ngày. Cuối cùng hai người lại gặp nhau và lấy nhau. Họ đẻ ra một quả bầu. Từ quả bầu đó các tộc người Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô… và người Kinh ra đời. Từ đó họ luôn yêu quý loài chó, kiêng giết chó, không ăn thịt chó.
Đặc sắc và rõ rệt nhất là truyền thuyết gắn với vật tổ chó của đồng bào Dao. Truyện kể rằng: Thuở xưa có một vị hoàng đế hứa sẽ gả con gái tài giỏi, xinh đẹp của mình cho ai có thể đánh thắng kẻ thù và lấy được cái đầu thủ lĩnh đem về dâng nộp. Khi đó ở vùng Tây Tạng có vị thủ lĩnh có ông tổ là chó. Một người con trai của vị thủ lĩnh này tên Bàn Hồ, là một con chó thần, đã thực hiện được yêu cầu này. Vị hoàng đế biết vậy tỏ vẻ ngần ngại, nhưng đành phải thực hiện lời hứa. Bàn Hồ đưa công chúa về một hang núi ở phía nam sinh sống. Họ sinh ra sáu người con trai và sáu người con gái. Chính là tổ tiên của người Dao và các tộc người anh em khác ở phía nam.
Một truyền thuyết khác cũng của người Dao, kể rằng: từ thời rất xa xưa, có hai ông vua tranh giành đất của nhau, nên xảy ra chiến tranh tàn khốc. Đất nước của Bình Vương, nơi có người Dao sinh sống, đã chống lại sự xâm lược của Cao Vương nhưng mãi hết tháng này qua năm khác không phân biệt thắng bại. Đất nước Bình Vương ngày càng kiệt quệ xơ xác, dân chúng rơi vào cảnh lầm than. Bình Vương ra chiếu chỉ tìm người tài giỏi cứu nước. Ai đánh thắng được Cao Vương sẽ trọng thưởng và gả công chúa xinh đẹp. Có chàng trai Bàn Hộ sức mạnh phi thường, xung phong đi đánh giặc. Bàn Hộ dùng phép thuật biến mình thành con chó, dùng mưu lược và sức mạnh giết được Cao Vương. Bình Vương giữ lời hứa trọng thưởng và gả con gái cho Bàn Hộ. Chàng đưa công chúa tới núi Nam Sơn. Họ sống trong hang đá, sinh được sáu người con trai và sáu người con gái. Do ở vùng Nam Sơn không có người nên họ phải lấy nhau, sinh ra mười hai người con, chính là mười hai dòng họ người Dao ngày nay. Từ đó người Dao coi chó là tổ tiên, là vật tổ. Họ truyền đời tập tục thờ chó bằng cách thêu hoặc in mô phỏng hình chó trên trang phục của mình, thậm chí họ còn để kiểu tóc chó. Trong nghi lễ cưới xin, ngày hệ trọng của cuộc đời đôi trẻ, có nơi còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy hình đuôi chó. Có nơi trên trang phục họ còn thêu hoặc in hình đôi chó quay lưng lại nhau. Vì đồng bào coi chó là tổ tiên nên họ kiêng giết chó và ăn thịt chó. Tập tục này ngày nay ở đồng bào Dao nước ta vẫn giữ. Tuy nhiên, do xu thế phát triển của xã hội, đã bớt nghiêm ngặt hơn trước.

Con chó trong thành ngữ, tục ngữ của tộc người Tày

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, hình ảnh về con chó vô cùng phong phú ở các thể loại. Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có ít nhất hơn 70 câu có hình ảnh con chó. So với sự xuất hiện của các con vật nuôi khác, số lượng này chứng tỏ con người rất ưu ái và thân thiết với loài chó. Riêng thành ngữ, tục ngữ của dân tộc Tày, chúng tôi thống kê có hơn 30 câu. Trong đó có những câu bằng âm Hán – Việt như: “Khuyển mã tri tình” (Chó ngựa biết tình nghĩa). Ý muốn nhắc nhở chúng ta sống phải biết đoàn kết, thương yêu nhau; sống có tình, có nghĩa, có trước có sau với nhau.
Những câu thành ngữ, tục ngữ Tày gắn với hình ảnh con chó có nội dung phản ánh những kinh nghiệm sống, những triết lý dân gian đa dạng, phong phú và sâu sắc. Câu “Ma eng khốp pền khẻ” (Chó con cắn thành sâu quảng): Ngày xưa khi y học hiện đại chưa phát triển tới đồng bào miền núi, bệnh sâu quảng – vết động vật cắn tưởng vô hại nhưng sẽ bị hoại tử lan rộng, rất nguy hiểm. Câu này nhắc nhở chúng ta chớ coi thường những kẻ yếu thế, nó có thể gây nguy hại khôn lường. Câu “Ma thai mắt củng thai” (Chó chết bọ chó cũng chết theo), ý nghĩa gần giống câu của người Kinh: Trạng chết chúa cũng băng hà. Câu “Ma mí quén nẳng tắng” (Chó không quen ngồi ghế) nhắc những kẻ ngu dốt đừng tham vọng lãnh đạo người khác. Câu “Ma héo háu mí lình” (Chó gầy sủa không thiêng) cũng có ý tương tự. Lời nói của kẻ nghèo hèn không bao giờ có trọng lượng. Câu “Mu dá che ma mắt, xỏn xắp tó pền căn” (Lợn chớ chê chó có bọ, như nhau cả thôi). Đồng loại chớ có chê bai, coi thường, ra vẻ hơn người.
Hình ảnh con chó trong các câu vừa dẫn ở trên thực chất chỉ là mượn để nói về xã hội con người. Vì là loài vật gắn bó thân thiết với con người nên có lúc nó được đề cao, thậm chí được ví cùng con người, như câu: “Ma bả nhằng mì slì, cần bả bấu án pi” (Chó dại còn có thời, người dại không tính năm); hoặc câu “Pỉ noọng cheng nà, mu ma cheng đúc” (Anh em tranh ruộng, lợn chó tranh xương). Thực tế thường có chuyện xảy ra như vậy, nhưng đó là việc chẳng hay ho gì, chỉ mất tình anh em ruột thịt. Câu “Loỏng ma ma khốp, loỏng đếch đếch hảy” (Trêu chó chó cắn, trêu trẻ trẻ khóc), răn dạy chúng ta về cách ứng xử trong cuộc sống, luôn phải biết cân nhắc và có chừng mực, nếu không muốn lĩnh hậu quả xấu. Câu “Mu bấu quà, ma bấu khốp” (Lợn không cào, chó không cắn) ý muốn nói mọi việc xảy ra đều có căn nguyên, kẻ gây sự trước sẽ phải lĩnh hậu quả. Câu “Tụy nặm chếp hua pja, cọn ma chếp thâng chẩu” (Đập nước đau đầu cá, đánh chó đau đến chủ) ý nói đừng làm những việc vô tình, thiếu suy nghĩ kẻo làm tổn thương người khác. Câu “Pây rẩy bấu pà ma, pây nà bấu pà đếch” (Đi nương không mang theo chó, đi ruộng không dắt theo trẻ), đó là kinh nghiệm đúc kết qua năm tháng, cho chó và trẻ con đi theo sẽ mất công mất việc, ảnh hưởng tới năng suất lao động. Về kinh nghiệm chọn thực phẩm đặc sản, có câu “Đông nựa nạn, bản nựa ma, nà phiắc chắm” (rừng thịt hoẵng, bản thịt chó, ruộng rau hoa hiên). Đây là những loại thực phẩm ngon nhất. Để nói về giá trị dinh dưỡng của thịt chó, đồng bào Tày có câu: “Tón nựa ma tả phà slam cẳm” (Ăn bữa thịt chó bỏ chăn đắp ba đêm). Mùa đông ở miền núi trời rất lạnh, không có chăn không thể ngủ được, nhưng ăn bữa thịt chó có thể bỏ chăn đắp tới ba đêm. Nghe có vẻ đại ngôn, nhưng thực chất dinh dưỡng của thịt chó không thể phủ nhận…
***
Như trên đã nói, trong quan niệm cộng đồng người Việt, chó là loài động vật thông minh, trung thành với con người, có thể đem đến cho con người những điều may mắn, thuận lợi, niềm vui. Hy vọng năm Mậu Tuất mọi người mọi nhà được an khang, thịnh vượng, hạnh phúc.

Nông Phúc Tước

Rate this post

Bài viết liên quan