Xử lý đầu khúc gỗ: Xếp gỗ sao cho đầu khúc gỗ hướng mặt ra ngoài nơi luồng gió qua lại. Quét vôi lên vết cắt, vôi làm vết cắt mau khô và pH cao cản trở các mầm bệnh phát triển. Hoặc đốt qua các đầu cắt bằng cách hơ lửa hoặc nhún cồn thoa đều mặt cắt và đốt.
Trong một số trường hợp, cây bị ngâm lâu trong vũng, chứa nhiều nước, cần dựng cây vài ngày trước khi đục lỗ, cấy giống.
Cấy giống: Đục lỗ cách nhau 20cm, cách đầu khúc gỗ 10cm, đường kính trung bình khoảng 10mm và sâu từ 15 đến 20mm, các hàng kế tiếp nên so le với nhau. Rửa tay bằng cồn 70o. Giống cho vào lỗ đến đầy mặt theo từng hàng trên khúc gỗ. Dùng dao cắt lõi thân cây đục ra thành lát mỏng khoảng 2 – 2,5mm trộn trong nước sôi hoặc nước vôi 1% hay ngâm cồn 70o, vớt ra để ráo nước trước khi đậy lên lỗ cấy giống, dùng sáp đèn cầy nhỏ phủ kín các lỗ đậy nắp. Có thể dùng giấy bìa cứng làm nắp đậy, thay lõi bằng gỗ.
Nuôi ủ tơ và chăm sóc: Ủ tơ khoảng 15 – 20 ngày, nhiệt độ khoảng 28oC và tương đối ổn định. Các khúc cây chất thành đống và tránh gió để giữ ẩm, thông thoáng để đủ dưỡng khí (oxy) cho nấm hô hấp, ánh sáng ở giai đoạn này hầu như không cần thiết. Khổi ủ cách ly với nền đất
Khối ủ cùng một lớp thì nằm song song nhau và cách nhau khoảng 5 – 10cm. Các lớp kế tiếp thì nằm vuông góc với lớp trước và như vậy cho đến lớp cuối cùng cao khoảng 1 – 1,5m. Độn lá cây hoặc rơm khô trên đầu đống ủ trước khi phủ vải nhựa giữ ẩm cho khối ủ, khi che nên cách nền từ 10 – 20cm.
Khi các khúc gỗ rải rác xuất hiện các nụ nấm. Nụ nấm có dạng mô thịt lồi lên ở đầu cây và có màu trắng đến hồng. Lúc này bắt đầu chuyển sang nhà tưới để chuẩn bị đón nấm.
Nhà trồng: không cần cất cao kiên cố, bao bọc bằng vải nhựa các vách bên trong để đảm bao độ ẩm và dễ tháo gỡ làm vệ sinh, không nên xây dựng nhà trồng quá kín, làm thiếu thông thoáng, ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm. Nhà trồng cách xa bãi rác, hố xí, cống rãnh và cần có ánh sáng cho tai nấm phát triển bình thường.
Đóng đinh vào 2 cạnh đầu khúc gỗ và buộc kẽm để treo khúc gỗ rời khỏi mặt đất. Nước tưới trung bình lúc này khoảng 3 – 4 lần mỗi ngày tùy thời tiết và độ ẩm trong phòng mà tăng hay giảm. Để theo dõi độ ẩm, có thể quan sát lớp vỏ ngoài của khúc gỗ hoặc mặt lông của tai nấm. Nếu màu trở nên sáng hơn là thiếu ẩm, còn màu đậm hơn là độ ẩm cao.
Thường khoảng 8 – 10 ngày sau khi đưa vào tưới đã có thể thu hái nấm đợt 1. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài 10 – 5 ngày và chấm dứt khi tai nấm ra nhỏ và thưa. Sau đó ngừng tưới một tuần cho tơ phục hồi (lan tiếp vào sâu bên trong) rồi mới tưới đón đợt 2. Đợt 2 tiến hành sau 7 – 10 ngày và cũng dừng lại khi tai nấm nhỏ dần. Đợt 3 cũng giống đợt 2 và trung bình phải mất từ 3 đến 4 tháng mới thu hái xong 3 đợt. Nấm hái ở giai đoạn trưởng thành (tai nấm phẳng, mép hơi dợn sóng). Nấm già khi phơi sẽ quăn queo, đồng thời chất lượng bị giảm. Nếu nấm ở dạng chùm nên hái cả chùm và chọn lúc tỷ lệ tai trưởng thành nhiều nhất. Sau khi thu hoạch, dọn dẹp và xử lý nhà trồng thật kỹ một đến hai tuần trước khi nuôi trồng đợt mới.
Source: thucanh.vn
Category: Mèo Cảnh