Chó Phú Quốc – Wikipedia tiếng Việt

Chó Phú Quốc


Chó Phú Quốc
Nguồn gốcPhú Quốc, Việt Nam
Đặc điểm
Phân loại & tiêu chuẩn

Chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc, Việt Nam. Nó có đặc điểm phân biệt với các loại chó khác là các xoáy lông ở trên sống lưng. Nó là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng trên thế giới. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia và chó lông xoáy Thái. Chó Phú Quốc đã có tên trong từ điển tiếng Pháp, Larousse.[1]

[external_link_head]

Chó Phú Quốc là một trong bốn loại chó đặc biệt của Việt Nam (“tứ đại quốc khuyển”): chó Bắc Hà, chó Phú Quốc, chó H’Mông Cộc, Dingo Đông Dương.[2][3]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc của chó Phú Quốc hiện nay chưa xác định. Theo một số người, chó lông xoáy Phú Quốc được bắt đầu từ một giống chó lông xoáy của Pháp khi lạc trên hoang đảo Phú Quốc và giống chó này đã sinh sôi nảy nở ở đây thành một loại chó hoang. Theo một nguồn quảng cáo cho chó lông xoáy Thái,có vài lập luận để thuyết minh rằng chó Phú Quốc đến từ Thái Lan. Tuy nhiên các luận cứ này chưa đáng tin cậy và thiếu tính thuyết phục vì tính chính xác của nó.[1][4]

Ngày 14 tháng 12 năm 2008, Hiệp hội Chó giống quốc gia Việt Nam (VKC) đã chính thức đăng ký giống chó Phú Quốc với Hiệp hội Chó giống quốc tế để được thế giới công nhận.[5]

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 06 tháng 12 năm 2009, trong cuộc thi “Chó đẹp toàn quốc năm 2009” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Chó Phú Quốc đã đoạt giải nhì khi so tài với nhiều giống chó khác nhau của Việt Nam và thế giới.[6]

[external_link offset=1]

Ngày 5 tháng 07 năm 2011, lần đầu tiên chó Phú Quốc đã được đưa sang Paris để tham dự FCI World dog show 2011 – cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011.[7] Tại đây, chó Phú Quốc đã đoạt giải CACS (chứng chỉ chó đẹp cấp thế giới, có thể gọi là “Vô địch thế giới chó Phú Quốc năm 2011”).[8]

Đặc điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Xoáy trên lưng và chân có màng như chân vịt

Giống Chó Phú Quốc có đặc điểm dễ phân biệt như lưng vòng xoáy chạy từ vai đến xương hông, dáng dũng mãnh và được nhiều người tìm kiếm, đưa về nuôi.[9] Chúng có nhiều biệt tài so với các loài chó khác. Quân đội nhà Nguyễn đã dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển vì chó Phú Quốc khi xác định được lãnh địa thì làm chủ hoàn toàn lãnh địa của mình. Không có bất cứ một người lạ, vật lạ nào rơi vào phạm vi lãnh địa của chúng mà chúng không phát hiện.[10]

Ngoại hình[sửa | sửa mã nguồn]

Theo những cư dân lâu năm của Phú Quốc, chó Phú Quốc thuần chủng có vòng xoáy trên lưng với bốn màu cơ bản: đốm, đen, vàng và vện (sọc); tuy nhiên ngày nay màu lông đã có nhiều sự lai tạp. Chó Phú Quốc trưởng thành nặng khoảng 20–25 kg với một cái đầu nhỏ, cổ dài, mỏm dài và chóp nhọn, tai dài, mỏng và có những chấm trên lưỡi. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát (1–2 cm) rất ngắn nên khi chó Phú Quốc ướt chỉ cần lắc mình vài lượt là nước sẽ bắn đi, do đó lông sẽ nhanh khô.[1]

Tính cách[sửa | sửa mã nguồn]

Chó Phú Quốc là giống chó săn rất giỏi, chúng khi đã truy tìm thì tra đến cùng dấu vết con mồi cũng như rất ít khi bỏ cuộc.[4] Đây là giống chó rất trung thành và thông minh, chúng tuân thủ mệnh lệnh một cách chính xác mà không tốn nhiều công huấn luyện. Một điểm khá đặ̣c biệt là chó Phú Quốc không ăn những thức ăn “nhân tạo” (do một người khác làm hoặc không phải của chủ nó cho ăn) nên chúng rất thường khó bị mắc bẫy hoặc bị dùng thuốc độc tiêu diệt.[11]

Thần khuyển đại tướng quân[sửa | sửa mã nguồn]

Trong dân gian Việt Nam, chó Phú Quốc được coi là “vương khuyển” vì trong lịch sử đã từng có bốn con chó Phú Quốc được vua Gia Long sắc phong một cách trang trọng, không kém những công thần khai quốc của nhà Nguyễn.[11]

Bốn con chó Phú Quốc (2 đực, hai cái) được vua Gia Long nuôi và đã theo ông suốt những năm bôn tẩu. Trong sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ“, cuốn sách gia truyền ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc, đã ghi rõ về bốn con chó này, không những về chiến công mà còn mô tả kỹ càng về đặc tính của chó Phú Quốc.[12] Các chú chó Phú Quốc này đã cứu nguy cho vua Gia Long 2 lần thoát chết trước khi lên ngôi. Chúng giải vây cho ông thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn và bảo vệ cho ông thoát nạn.[11]

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, đã không quên sắc phong cho bốn con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân“. Đến khi bốn con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ trọng thể.[11]

[external_link offset=2]

Một số hình ảnh về chó Phú Quốc[sửa | sửa mã nguồn]

  • Những đặc điểm riêng biệt trên lưng của chó Phú Quốc

  • Một chú Chó Phú Quốc đang canh cửa nhà

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Theo Vietnamnet (Chủ nhật, 05 Tháng hai 2006). “Chó Phú Quốc: Huyền thoại và sự thật”. Vietnamnet. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2013.
  2. ^ ‘Tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam là những giống chó gì?, Thể thao Văn hóa, 17/02/2018
  3. ^ 4 giống chó quý của Việt Nam được gọi là “quốc khuyển”, Lao Động, 07/11/2020
  4. ^ a b Theo Người đưa tin (16:01 26/04/2013). “Bí ẩn không lời giải về “khuyển vương” Phú Quốc (3)”. Báo điện tử Kiến thức – Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2013.
  5. ^ 15/12/2008, Đề nghị thế giới công nhận giống chó Phú Quốc, Báo Thanh Niên. 01:34 – 15/12/2008
  6. ^ Diễm Thư (ngày 7 tháng 12 năm 2009). “Cơ hội cho chó Phú Quốc ra thế giới”. Thanh Niên Online. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2018.
  7. ^ Theo Báo Tuổi Trẻ (ngày 11 tháng 7 năm 2011). “Chó Phú Quốc du đấu xứ người”. Thanh Niên Online. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2018.
  8. ^ Chó Phú Quốc được đặc cách tham dự, song không thể vào sâu giải thế giới do chưa có tên trong danh mục các giống chó của FCI
  9. ^ Chủ nhật, 9/6/2013 Nghề nuôi chó Phú Quốc thịnh hành ở TP HCM, vnexpress.net. Chủ nhật, 9/6/2013 | 11:34 GMT+7
  10. ^ Vì vậy, khi chó Phú Quốc làm quân khuyển thì thám báo, gián điệp không thể trà trộn vào các đội quân có chó Phú Quốc
  11. ^ a b c d Hoàng Hải Vân (ngày 13 tháng 5 năm 2013). “Thần khuyển đại tướng quân”. Thanh Niên Online. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2018.
  12. ^ sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ” hiện vẫn còn lưu giữ trong gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, cháu gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Phú Quốc
  • Chó
  • Chó Dingo Đông Dương

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Chó Phú Quốc – Wikipedia tiếng ViệtWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chó Phú Quốc.
  • Nâng tầm thương hiệu chó Phú Quốc, Báo Thanh Niên. 08:45 – 08/09/2008
  • Phu Quoc dog[liên kết hỏng ]

[external_footer]

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan